Khó thở về đêm có thể là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác nhau. Đây là tình trạng cảm thấy khó thở đột ngột, dữ dội vào ban đêm khiến ta tỉnh giấc. Đôi khi tình trạng này có thể đi kèm với những cơn ho và là dấu hiệu cho các vấn đề về tim, phổi. Đọc bài viết dưới đây để bạn có thể hiểu hơn về triệu chứng này cũng như hướng xử lý kịp thời.
1. Tình trạng khó thở vào ban đêm
Triệu chứng khó thở vào ban đêm hay còn gọi là khó thở kịch phát về đêm. Đây là một dạng khó thở đột ngột diễn ra vào ban đêm, chỉ sau vài giờ đi ngủ. Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng khó thở tại bất cứ thời điểm nào trong đêm. Triệu chứng này rất dễ nhận biết bởi nó khiến bạn thức giấc vì khó thở, thở hổn hển, tiếng thở khò khè và có thể kèm theo các cơn ho.
Khó thở vào đêm khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn
Tình trạng này sẽ giảm dần khi người bệnh ngồi dậy hoặc đứng lên. Người bệnh cũng rất khó ngủ lại sau những cơn khó thở bộc phát như thế. Tuy nhiên, ngay cả khi triệu chứng biến mất thì bạn cũng không nên chủ quan bởi khó thở lúc về đêm là một triệu chứng liên quan tới suy tim hoặc bệnh về đường hô hấp.
2. Những nguyên nhân khiến bạn khó thở vào ban đêm
Với trường hợp khó thở khi nằm xuống sẽ được gọi là chứng khó thở khi nằm và khác với chứng khó thở kịch phát về đềm nó xảy ra sau vài giờ ngủ. Khó thở có thể xảy ra nếu cơ thể bạn không thể bơm đầy đủ oxy vào máu. Phổi của bạn có thể không xử lý được lượng oxy nạp vào hoặc tim của bạn không thể bơm máu hiệu quả. Nếu triệu chứng khó thở này xảy ra hơn một tháng thì được gọi là khó thở mãn tính và thường có liên quan đến phổi tim hoặc sức khỏe tâm thần của bạn.
Các bệnh lý về phổi khác nhau đều có thể gây khó thở. Một số là bệnh mãn tính hoặc đe dọa tính mạng, và một số bệnh lý khác có thể điều trị được.
Hen suyễn
Đây là tình trạng đường hô hấp bị viêm mãn tính khiến cho người bệnh bị khó thở vào ban đêm, nhất là lúc gần sáng. Lý do gây khó thở về đêm liên quan đến bệnh hen suyễn là vì:
- Nằm sai tư thế gây áp lực lên cơ hoành
- Chất nhầy tích tụ trong cổ họng, khiến bạn ho và khó thở
- Nội tiết tố của bạn thay đổi vào ban đêm
- Môi trường ngủ có điều kiện thuận lợi kích thích hen suyễn.
Hen suyễn là nguyên nhân phổ biến gây khó thở vào ban đêm
Thuyên tắc phổi
Tình trạng này xảy ra khi trong phổi xuất hiện các cục máu đông gây khó thở và có thể kèm theo các triệu chứng khác như đau ngực, ho… Thuyên tắc phổi có thể khiến lưu lượng máu của bạn bị hạn chế và bạn cần khám để được điều trị sớm nếu bạn nghi ngờ mình bị thuyên tắc phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bệnh COPD xảy ra khi đường thở bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp lại so với bình thường khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó cũng có thể có các triệu chứng như thở khò khè, ho, tiết chất nhầy và tức ngực. Hút thuốc hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể gây ra COPD và làm bệnh trở nặng hơn.
Viêm phổi
Bệnh xảy ra do nhiễm phải virus, vi khuẩn hoặc nấm. Viêm phổi gây khó thở, khó thở vào ban đêm và kèm theo các triệu chứng như ho, tức ngực khó thở, nghẹt mũi khó thở, mệt mỏi và thậm chí là sốt. Bạn cần đi khám bệnh viêm phổi nếu bị sốt cao, khó thở và ho.
Suy tim
Có thể bạn bị khó thở về đêm là do tim không thể thực hiện bơm máu ổn định. Tình trạng này được gọi là suy tim, hay còn có tên đầy đủ là suy tim sung huyết. Đây là bệnh mãn tính, biểu hiện ở việc tim không thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Bệnh này gây ra tình trạng phù phổi do các chất lỏng bị tích tụ ở trong phổi, từ đó gây nên tình trạng khó thở khi nằm hoặc khi vận động thể chất với cường độ cao.
Suy tim khiến máu không bơm đủ cho cơ thể gây khó thở khi nằm
Cũng có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy tim như: cao huyết áp, chấn thương, nhịp tim không đều hay các yếu tố rủi ro (thiếu chất, hút thuốc, tác dụng phụ của các loại thuốc, tiểu đường…)
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Ngưng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ra tình trạng ngừng thở thường xuyên trong khi ngủ. Hầu hết những người bị ngưng thở khi ngủ đều có các triệu chứng như ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày.
Tình trạng này có thể kéo dài khoảng 10s hoặc hơn và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Người bệnh hoàn toàn không nhớ gì về tình trạng này dù có những cơn vi thức giấc sau mỗi lần ngưng thở.
Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể gây khó thở vào ban đêm. Bao gồm các bệnh lý như
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Các bệnh lý về phổi khác như bệnh phổi kẽ hoặc phù phổi
- Ung thư phổi hoặc ung thư mạch máu hoặc tủy xương
- Suy thận
- Khối u trong tim
- Thiếu máu
3. Phương pháp chuẩn đoán khó thở về đêm
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh dựa vào đặc điểm của khó thở về đêm (thời gian khó thở, thời điểm mắc, các cơn ho đi kèm, dấu hiệu về tim mạch, tình trạng đánh trống ngực, khó lại giấc,…).
Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ đánh giá thông qua các bài kiểm tra thể chất, thông tin bệnh sử và việc quan sát nhịp thở của người bệnh với các đặc điểm lâm sàng như: tăng nhịp thở, tăng công các cơ hô hấp, cần gắng sức để thở, giảm nồng độ oxy trong máu,…
Với các trường hợp bị khó thở về đêm nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cụ thể như: đo nồng độ oxy trong máu, điện tâm đồ, đo phế dung, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm tim,…
4. Biện pháp hỗ trợ cải thiện khó thở vào ban đêm hiệu quả
Cải thiện tình trạng khó thở vào ban đêm sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Dưới đây là các nguyên nhân và cách cải thiện phổ biến:
- Hen suyễn: Tuân thủ phương pháp điều trị, tránh các tác nhân gây bệnh và kê cao gối khi ngủ để giữ cho đường thở thông thoáng hơn.
- COPD: Bỏ hút thuốc và tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại khác. Phương pháp điều trị có thể bao gồm phun khí dung, sử dụng thuốc và liệu pháp oxy.
- Viêm phổi: Điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc giảm đau, hạ sốt và nghỉ ngơi.
- Suy tim: Thực hiện theo kế hoạch điều trị của bác sĩ, kế hoạch này có thể thay đổi tùy theo tình trạng của bạn. Sử dụng thuốc điều trị, thực hiện lối sống lành mạnh hoặc sử dụng các thiết bị giúp cho tim bạn hoạt động bình thường.
- Ngưng thở khi ngủ: Thay đổi lối sống của bạn bằng cách giảm cân và bỏ thuốc lá. Sử dụng thiết bị hỗ trợ khi ngủ để đảm bảo đường thở luôn thông thoáng.
- Với các vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo lắng, hoảng loạn: nên thực hiện các bài tập thở, tránh các yếu tố tác động tâm lý và chia sẻ tình trạng của mình với bác sĩ hoặc chuyên gia.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến triệu chứng khó thở về đêm chính là các bệnh lý liên quan đến phổi như: hen suyễn, viêm phổi, thuyên tắc phổi,… Nhanh chóng đi cấp cứu nếu bạn nghi ngờ tình trạng khó thở báo hiệu một tình trạng đe dọa đến tính mạng.
Nguồn: https://www.healthline.com/health/sleep/shortness-of-breath-at-night